canh-giac-nguy-co-chay-no-tu-nha-ong

Cảnh giác nguy cơ cháy, nổ từ nhà ống

Admin 26/05/2020

Người dân sinh sống ở thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ) vẫn chưa hết bàng hoàng về vụ cháy xảy ra sáng 25-9 tại ngôi nhà kết hợp nơi ở và kinh doanh lốp xe, sửa chữa ô-tô của ông Trần Văn Nam. Theo nhân chứng tại hiện trường, khi phát hiện cháy, người dân trong khu vực và lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đã nỗ lực dập lửa, giải cứu được năm người đang ngủ tại tầng hai, tầng ba, nhưng do lửa cháy quá nhanh, khói độc bốc lên khiến hai con gái của chủ nhà ngủ ở tầng bốn bị ngạt khói chết.

Trước đó, vào ngày 19-7, một vụ cháy lớn khác tại ngôi nhà bốn tầng ở số 48, ngõ 41, phố Vọng, phường Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng) cũng làm hai người chết. Ngày 13-7, vụ cháy tại căn nhà bốn tầng số 37, ngõ 205/53 đường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm) làm chết bốn người trong một gia đình.

Ba vụ cháy nghiêm trọng nêu trên đều xảy ra tại các ngôi nhà ống, mẫu nhà rất phổ biến hiện nay tại đô thị. Đặc điểm chung của những ngôi nhà ống là khá sâu, mặt tiền hẹp, cao từ ba đến năm tầng, có ít cửa sổ, lỗ thoáng khí. Để chống trộm và tăng diện tích sử dụng, nhiều gia đình đã bịt kín toàn bộ tum, ban-công bằng khung sắt hoặc quây tôn kín, tạo thành các "chuồng cọp" kiên cố, bịt các lối thoát hiểm khi xảy ra cháy, nổ.

Theo số liệu của Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy Hà Nội, trong chín tháng qua, trên địa bàn thành phố xảy ra gần 630 vụ cháy, trong đó có tám vụ cháy nghiêm trọng làm chết 20 người, chín người bị thương, tăng 16 người chết so với cùng kỳ năm trước; thiệt hại tài sản hơn 400 tỷ đồng, tăng hơn 300 tỷ đồng so với năm 2016. Tình hình cháy, nổ diễn biến phức tạp và nguy cơ cháy gia tăng, khi có hơn 43 nghìn cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy gồm gần 100 khu, cụm công nghiệp, hơn 23 nghìn ha rừng, 33 trung tâm thương mại và gần 1.000 công trình nhà cao tầng, trong đó còn khoảng 60 tòa nhà chưa đủ điều kiện an toàn phòng cháy đã đưa vào sử dụng… Đáng chú ý, Hà Nội có gần 500 nghìn căn nhà ống, trong đó hơn 120 nghìn căn nhà ở kết hợp kinh doanh, mặt tiền thường bị bịt kín, thiếu lối thoát nạn. Nguyên nhân xảy ra cháy chủ yếu do sự cố về điện, sử dụng ga, thắp hương, đèn, nến, hàn xì… Đối với nhà ống, tầng một thường bố trí để xe máy, xe đạp gần khu bếp sử dụng điện, ga để đun nấu và hàng hóa; các gia đình kết hợp vừa để ở vừa kinh doanh thì nguy cơ xảy ra cháy rất cao, nhất là vào ban đêm khi cửa chính đóng kín. Đám cháy thường xuất hiện tại đây, sau đó khói, lửa theo lối cầu thang nhanh chóng lan lên các tầng, khiến nạn nhân không kịp thoát ra.

Phòng cháy, chữa cháy là trách nhiệm của mọi công dân. Để bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe và tài sản, mỗi người dân cần thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống cháy, nổ, như sử dụng điện an toàn, hạn chế để hóa chất dễ cháy trong nhà, có dụng cụ chữa cháy tại chỗ… Thiết kế, xây dựng nhà ở phải có cửa thoát nạn. Nhà ống cần có ban-công, tầng tum thoát hiểm và lắp cửa chống cháy tại lối ra. Tuyệt đối không hàn lồng sắt, quây tôn kín, nếu buộc phải chống trộm thì có thể hàn sắt loại nhỏ, nhưng phải có cửa mở, dụng cụ dễ cậy phá từ phía trong và không được bịt kín.

Theo: Minh Vân | baomoi.com