-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
“lỗ hổng” lớn về an toàn cháy, nổ
26/05/2020
(HNM) - Thuộc diện có nguy cơ cháy nổ cao, chủ yếu nằm xen kẽ trong khu dân cư, nhưng các kho xưởng sản xuất quy mô nhỏ, theo hộ gia đình lại không thuộc diện phải quản lý về phòng cháy, chữa cháy. Đây là một “lỗ hổng” trong công tác phòng cháy, chữa cháy cần sớm được khắc phục.
Nguy cơ cao...
Theo Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy (PCCC) TP Hà Nội, từ đầu năm đến nay trên toàn thành phố đã xảy ra 80 vụ cháy kho xưởng sản xuất nhỏ, lẻ. Gần đây nhất, trên địa bàn huyện Phú Xuyên đã xảy ra 2 vụ cháy cơ sở sản xuất (ngày 31-7 tại xã Phú Túc và ngày 9-8 tại xã Hồng Minh) gây nhiều thiệt hại về tài sản. Trước đó, vụ cháy nghiêm trọng xảy ra tại xưởng sản xuất bánh kẹo ở xã Đức Thượng (huyện Hoài Đức) khiến 8 người tử vong, 2 người bị bỏng nặng.
Theo Phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy (Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội), hiện trên địa bàn thành phố có 612 cơ sở nhà xưởng, kho hàng tập trung tại các khu, cụm công nghiệp và hơn 19 nghìn cơ sở sản xuất, kho hàng thuộc 159 làng nghề nằm trong diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy. Căn cứ theo Phụ lục 1, Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31-7-2014 của Chính phủ quy định về danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC thì các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, theo hộ gia đình lại không thuộc lĩnh vực này. Những cơ sở này do UBND các cấp cấp phép và UBND phường, xã, thị trấn trực tiếp quản lý, giám sát.
Trong khi đó, cấp phường, xã, thị trấn hiện chưa có đội ngũ cán bộ chuyên trách; công tác thanh tra, kiểm tra chủ yếu dựa vào lực lượng PCCC chuyên nghiệp. Trong khi, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ theo hộ gia đình với đặc thù diện tích từ 50m2 đến 200m2 nằm trong khu dân cư, thường tận dụng công năng vừa sản xuất, kinh doanh, vừa kết hợp làm nơi sinh hoạt ăn, ở của gia đình.
Thực tế, nhiều chủ cơ sở không chú trọng công tác PCCC; câu mắc dây điện, thắp hương tùy tiện, nên chỉ cần một bất cẩn nhỏ là có thể xảy ra hỏa hoạn và khả năng cháy lan là rất lớn. Quá trình kiểm tra phát hiện vi phạm, lực lượng chức năng chủ yếu xử phạt vi phạm hành chính, mức độ chưa đủ sức răn đe đối với các chủ cơ sở không chấp hành quy định về an toàn PCCC…
Sâu sát kiểm tra, nghiêm khắc xử lý
Mặc dù các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, theo hộ gia đình không thuộc diện quản lý về PCCC, nhưng theo Đại tá Trần Văn Vụ, Trưởng phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy thì đây là những cơ sở có nguy cơ cháy cao, cần phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm phổ biến kiến thức đến từng chủ cơ sở.
Thời gian qua, Cảnh sát PCCC thành phố đã tham mưu cho UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch kiểm tra, rà soát, nâng cao hiệu quả công tác này đối với nhiều hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cơ sở sản xuất, kho hàng hóa xen kẽ trong khu dân cư trên địa bàn thành phố.
Trung tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 1 cho biết, đơn vị đã chủ động lập kế hoạch phối hợp với UBND các quận thuộc địa bàn quản lý, tổ chức tổng kiểm tra toàn bộ các cơ sở, loại hình nhà ở, công trình tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ. Như tại quận Hai Bà Trưng, với khoảng 89 nghìn cơ sở, sản xuất kinh doanh, đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương đến từng cơ sở sản xuất, kinh doanh kiểm tra kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao kiến thức nghiệp vụ PCCC của cán bộ, các đội chữa cháy tại chỗ để nâng cao công tác quản lý tại địa bàn.
Để các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, theo hộ gia đình nằm xen kẽ trong các khu dân cư không còn là mối lo ngại về nguy cơ cháy, nổ, bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng thì chủ cơ sở cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong thực hiện các quy định an toàn PCCC. Chủ cơ sở phải có trách nhiệm đôn đốc, nhắc nhở các thành viên tuân thủ tốt các quy định, thực hiện đầy đủ các kiến nghị, hướng dẫn của Cảnh sát PCCC, chủ động trang bị và bố trí các thiết bị phòng cháy và cứu nạn, cứu hộ phù hợp với tính chất hoạt động, định kỳ bảo dưỡng, bảo đảm thiết bị hoạt động tốt khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
Theo: Tiến Thành | Báo Hà Nội Mới